• MÓN ĂN CHAY DINH DƯỠNG
  • HỎI ĐÁP VỀ VẤN ĐỀ ĂN CHAY
  • NHỮNG CÂU CHUYỆN LUÂN HỒI ĐẦY BÍ ẨN
  • Người theo dõi

    Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

    Giới Định Tuệ

    Người tu Đạo cần phải giải thoát tất cả mọi phiền não khổ đau để cho thân tâm được an lạc và chứng ngộ Niết bàn. Chính tam vô lậu học tức là Giới, Định, Tuệ sẽ là con đường duy nhất để giúp chúng sinh đạt đến tiến trình từ Mê đến Giác, từ Phàm đến Thánh.
    Tiến trình để đi đến Giải Thoát Giác Ngộ của người tu Đạo được ví như sự phát triển của một hạt giống. Trước hết hạt giống cần có môi trường tốt để bắt đầu nẩy mầm sanh rễ. Khi rễ đã phát triễn thì thân cây mới thành hình và sau đó mới đâm cành trổ lá. Rễ càng dài, càng vững chắc thì thân cây càng to càng lớn và cuối cùng khi đã lớn mạnh thì cây mới có thể đơm hoa kết trái. Do đó rễ ví nhu Giới, thân cây ví như Định, hoa ví như Trí Tuệ và trái là quả vị Niết bàn.
    1. Giới
    Trong bất cứ xã hội nào trên thế giới thì luật pháp được đặt ra với mục đích ngăn ngừa và trừng trị những ai có ý phá rối an ninh trật tự để mọi công dân được sống trong thanh bình. Đây là nói về luật pháp của thế gian. Còn Giới đối với người tu Đạo thì rất có ý nghĩa sâu rộng hơn nhiều. Giới là những điều răn để người Tu Đạo phải tuân theo để ngăn ngừa và cảnh giác làm cho Thân Khẩu Ý không tạo nghiệp. Mà không tạo nghiệp thì khỏi phải đi lang thang lẩn quẩn trong vòng sinh tử triền miên. Nên nhớ việc ta làm thì ta phải biết và dĩ nhiên là chính ta phải gánh chịu quả nghiệp của nó, tức là “Tự tác hoàn tự thọ”. Khi một người phá giới thì không có nghĩa là họ có tội với trời hay Phật, mà chính họ đã tự tạo cho mình ác nghiệp để phải chịu quả nghiệp khổ đau sau này chớ không phải trời phạt hay Phật đọa gì cả. Còn người giữ giới thì họ tránh không làm điều gì phương hại đến người và vật chung quanh, tức là mang lại sự an ổn cho tất cả mọi người. Đây chính là sự phát triển tâm Từ bi của mình vậy. Vì sự quan trọng của Giới nên Kinh Bồ Tát Giới viết rằng:
    Bản Hán
    Giới như đại minh đăng
    Năng tiêu trừ dạ ám
    Giới như chơn bảo kính
    Chiếu Pháp tận vô di
    Giới như ma ni châu
    Vũ vật tế bần cùng
    Ly thế tốc thành Phật
    Duy thử Pháp vi tối
    Tạm dịch
    Giới như ngọn đèn lớn
    Có thể tiêu trừ đêm dài tăm tối
    Giới như tấm gương quý báu
    Soi hết thảy các Pháp
    Giới như viên Ngọc Như Ý
    Hóa vật để giúp kẻ nghèo
    Muốn mau giải thoát thành Phật
    Chỉ có giới là hơn hết.
    Chẳng những thế, trong Kinh Phạm Võng cũng đề cao Giới như sau:
    Bản Hán
    Giới như minh nhật nguyệt
    Diệc như anh lạc châu
    Vi trần Bồ Tát chúng
    Do thử thành Chánh Giác.
    Tạm dịch
    Giới như Nhật Nguyệt chiếu sáng
    Hoặc như ngọc Anh Lạc
    Vô số Bồ Tát
    Nhờ đó mà thành Chánh giác.
    Như vậy Giới là bước tiến đầu tiên trong việc cải thiện Thân, Khẩu, Ý cho đến chỗ toàn Chân, toàn Thiện và toàn Mỹ.
    2. Định
    Một khi Giới được hoàn hảo thì tư tưởng, lời nói và hành động sẽ trở thành chân chính. Từ đó khi lời nói và hành động chân chính có thể đưa đến một nội tâm thanh tịnh.
    Phần dịch thuật kinh điển Phật giáo được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu thì được Ngài Cưu Ma La Thập (Kumaralabdha) là vị Pháp sư danh tiếng lỗi lạc ở Ấn Độ và cũng là người đã từng thông suốt cả Kinh, Luật và Luận tạng. Ngài phiên dịch kinh điển bằng tiếng Phạn do Ngài A Nan và các vị đại A La Hán kết tập. Theo đó thì thiền định có nghĩa là tĩnh lự, tĩnh tức là Chỉ có nghĩa là Định, còn lự tức là Quán có nghĩa là Tuệ. Sau này chính Ngài Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang qua tận Ấn Độ thỉnh kinh về Trung Hoa và dịch sang Hán tự thì thiền định có nghĩa là tư duy tu. Như thế thì thiền định không có nghĩa là thiền tông hay là phải ngồi kiết già thì mới đạt được định. Mà định ở đây chính là phải tư duy, suy nghĩ về đối tượng của Phật pháp ngỏ hầu tìm cho ra chân lý của nó để tâm được an. Chúng ta có thể niệm Phật, có thể đi kinh hành, có thể nằm, ngồi…miễn sao có thể chú tâm vào một đối tượng để tư duy quán chiếu và cuối cùng có thể loại bỏ tất cả những tạp niệm chung quanh. Phương pháp này được gọi là thiền Chỉ của nhà Phật.
    Cuộc sống hằng ngày, con người phải vật lộn với bao nhiêu hoàn cảnh làm tâm của họ luôn luôn biến đổi. Chỉ trong một giây, một phút có cả hàng trăm hàng ngàn ý nghĩ khác nhau đua nhau sanh khởi trong tâm của chúng ta, mà tệ hại nhất là những ý niệm bất thiện như tham lam, dục vọng, sân hận, tật đố… Làm cho tâm điên trí đảo. Vì sự nguy hại của dục vọng, trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy rằng: “Chế ngự được tâm là quý, vì cái tâm thật khó mà kiểm soát. Nó chạy không ngừng theo tham dục. Một khi tâm đã được chế phục sẽ đem đến hạnh phúc”.
    Đời sống con người không những bị chi phối bởi những tư tưởng trong ý thức giới như tham lam, giận hờn và si mê mà chúng ta đôi khi còn bị ảnh hưởng bởi những sinh hoạt của cõi vô thức. Thí dụ như khi ngủ, con người nằm mơ thấy những cảnh hãi hùng kinh sợ trong giấc chiêm bao của họ.
    Muốn chinh phục, kiểm soát được nội tâm thì thiền định là một phương pháp phát huy sức mạnh tinh thần hiệu nghiệm nhất. Theo đó thì người tu cố gắng chú tâm vào một đối tượng cho đến khi tâm có khả năng an trú và không lay động bởi ý tưởng hoặc cảnh vật bên ngoài. Khi tâm đã định thì tinh thần trở thành một nguồn năng lực vô song. Ngày xưa các vị A La hán có được thần thông biến hóa là do khả năng đi sâu vào thiền định của họ. Chính cái nguồn năng lực vô song này sẽ hủy diệt tất cả mọi phiền não để tâm được an nhiên tự tại và sau cùng chặt đứt vòng sinh tử luân hồi.
    3. Tuệ
    Mặc dầu định lực có sức mạnh vô song, nhưng Phật giáo chỉ dùng nó để phát triển trí tuệ mà thôi. Kiến thức của thế gian không phải là Trí tuệ theo ý nghĩa của nhà Phật. Các nhà bác học, bác sĩ, luật sư, học giả tuy là những người học rộng biết nhiều, nhưng họ còn bị tham, sân, si sai khai khiến và phiền não quấy phá. Chính vô minh, ái dục đẩy đưa họ lún sâu vào sinh tử luân hồi thì cái trí thức đó chỉ là cái vỏ bề ngoài còn trí tuệ của nhà Phật mới thật là cái sáng suốt triệt để phát xuất từ trong tự tánh của con người. Do đó người có trí tuệ sống trong thế gian nhưng không bị ô nhiễm của thế sự.
    Như vậy nhờ sự tổng hợp của thiền Chỉ và thiền Quán mà phát sinh ra trí tuệ để nhận thức được chân lý mà tiến về giải thoát giác ngộ. Đối với đạo Phật trí tuệ được xem như bước tiến cuối cùng trên đường giải phóng cái tự ngã của mình.
    Tiến trình “Giới, Định, Tuệ” được thực hiện nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào khả năng và ý chí của mỗi người. Nếu họ cố gắng và kiên trì thì có kết quả viên mãn. Ngược lại nếu họ không cố gắng và giải đải thì tiến trình này sẽ bị ngưng trệ và gãy đổ hoàn toàn.
    Giới trong sạch thì tâm không phiền não. Tâm không điên đảo thì cuộc sống sẽ vui vẻ và an lạc. Một khi tâm an thì đưa đến an tịnh, sáng suốt và đây là con đường phát sinh trí tuệ để thấy được thực tướng của vạn hữu. Khi chân tướng hiện bày thì không còn tham ái tức là chứng được Niết bàn và giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
    Muốn giới trong sạch thì con người phải quan tâm về lợi dưỡng. Vì thế kinh Phật có câu: “Sơ nghiệp Bồ tát đương quán lợi dưỡng sanh tham dục cố”, có nghĩa là: “Sơ nghiệp Bồ tát nên biết rằng lợi dưỡng sanh ra tham dục vậy”. Ví như một cây an trái, nếu ngày ngày chúng ta tưới nước dặm phân dưới gốc cây thì cây này sẽ đâm hoa kết trái sum suê. Con người thì cũng thế, nếu hằng ngày cứ chạy theo danh văn lợi dưỡng thì tâm sinh ra tham dục. Lòng tham dục càng lớn thì phiền não càng nhiều. Mà tham phiền não tăng trưởng thì dĩ nhiên si, mạn, nghi phiền não cũng đều nổi lên theo. Do đó càng tham cầu lợi dưỡng thì tâm càng dính mắc ở lục trần. Mà tâm càng dính
    mắc thì con người càng dễ đánh mất tâm thanh tịnh của mình.

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét