• MÓN ĂN CHAY DINH DƯỠNG
  • HỎI ĐÁP VỀ VẤN ĐỀ ĂN CHAY
  • NHỮNG CÂU CHUYỆN LUÂN HỒI ĐẦY BÍ ẨN
  • Người theo dõi

    Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

    Câu 12: Cho tôi hỏi cách phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em?




    Suy dinh dưỡng là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Y học cổ truyền gọi bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ là bệnh cam, liên quan đến hoạt động tiêu hoá thất thường (tích trệ đồ ăn, trùng tích) nên còn gọi là cam tích. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh nguyên khí kém; do thiếu dinh dưỡng lâu ngày, ăn uống mất điều độ, ăn quá nhiều đồ béo ngọt; hoặc do các bệnh mạn tính như tiêu chảy mạn, cảm nhiễm đường hô hấp nhiều lần.
    Bệnh cam tích ở trẻ chia thành 3 thời kỳ: thời kỳ khí cam, thời kỳ cam tích và thời kỳ cam khô. Ở thời kỳ đầu trọng lượng của trẻ thường giảm nhẹ hoặc không tăng cân, biếng ăn; ở thời kỳ thứ hai trẻ kém phát triển chiều cao hoặc không phát triển, người gầy, cơ bắp nhão, da bụng mỏng, xương sườn lộ rõ; thời kỳ thứ ba cơ thể trẻ suy yếu, sắc mặt trắng xanh hoặc hơi vàng, da, tóc khô, bụng trướng, tinh thần bứt rứt, buồn bực, chán ăn... Ở thể nặng trẻ thường kèm theo các bệnh khác như thiếu máu dạng thiếu sắt, rối loạn chức năng của hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá, thần kinh đặc biệt là suy giảm khả năng miễn dịch, đề kháng của cơ thể, trẻ dễ mắc các bệnh khác.
    Để phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, bố mẹ cần phải có sự hiểu biết, chủ động và quan tâm đến chế độ ăn uống của con mình ngay từ những ngày đầu khi trẻ ăn dặm.
    ♦ Nguyên nhân
    Trẻ lên 3 bị suy dinh dưỡng thường do hai nguyên nhân sau:
    - Một là: Do cách nuôi dưỡng, gây nên việc cung cấp các chất dinh dưỡng trong thức ăn bị thiếu hụt, nhất là các chất proteine, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể trẻ.
    - Hai là: Do nhân tố bệnh tật, các loại bệnh tật ảnh hưởng đến cơ năng tiêu hóa của trẻ, rồi từ đó dẫn đến việc hấp thu thức ăn, hấp thụ các chất dinh dưỡng gặp trở ngại.
    ♦ Biểu hiện trẻ suy dinh dưỡng?
    Biểu hiện chủ yếu của việc suy dinh dưỡng là trẻ ngày một gầy gò ốm yếu, tóc thưa, bụng ỏng, còi cọc không lớn được, sút cân, cơ nhão, lớp mỡ dưới da mỏng dần rồi biến mất, tinh thần khô héo, sức miễn dịch giảm sút, thường kèm theo thiếu máu do thiếu dinh dưỡng; thiếu nhiều loại vitamin, thậm chí biến chứng lây nhiễm nhiều bệnh tật khác nữa.
    ♦ Phòng trị bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ 
    • Điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ
    Phương pháp đầu tiên là cần điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ, lấy việc bổ sung các chất dinh dưỡng làm chính. Khi cho trẻ ăn uống, phải tìm mọi cách kích thích sự ăn uống; làm cho trẻ ăn ngon miệng; cần nắm chắc nguyên tắc là trước loãng sau đặc, trước ít một và sau đó tăng dần; trước tập trung vào một đôi món, sau tăng dần các món; thức ăn cần chú ý dễ tiêu hóa mà giàu dinh dưỡng và để tâm tới màu sắc, hương vị của từng loại thức ăn.
    Nếu nhận thấy thể trọng của trẻ không tăng hoặc bị sút cân, lớp mỡ dưới da mỏng đi, da thịt bị nhão, sắc mặt xanh xao vàng vọt, cần phải quan tâm theo dõi ngay, phân tích tìm nguyên nhân, kịp thời kiểm tra chữa trị.
    Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, cần căn cứ vào khả năng tiêu hóa của trẻ, thận trọng điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ. Những loại thức ăn mới tăng thêm, đòi hỏi cần đơn giản, số lượng thức ăn cứ theo tình trạng tiêu hóa của dạ dày. Nếu trẻ ăn uống đã thấy ngon miệng, đại tiện bình thường, có thể tăng dần số lượng và chủng loại thức ăn trong phạm vi có thể tiêu hóa hấp thu được.
    Tiếp theo, bạn cũng có thể phối hợp với việc châm cứu hoặc xoa bóp, điều trị bằng thuốc cho trẻ theo hướng dẫn của bác sỹ nhi khoa.
    • Cách phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ
    - Sữa mẹ là loại thức ăn hoàn thiện nhất cho trẻ, vì thế bạn hãy tận dụng bằng mọi cách để trẻ được bú mẹ.
    Phương pháp nuôi dưỡng cần căn cứ theo độ tuổi mà định lượng thời gian cho bú. Nếu trẻ tiêu hóa tốt, sau 3 - 4 tháng đã có thể cho ăn thêm dần dần, hãy lựa chọn các loại thức ăn thích hợp với sự tiêu hóa và hấp thụ của trẻ. Ngoài ra, bạn phải nắm chắc nguyên lý lúc đầu cho ăn loãng, sau đặc dần; lúc đầu cho ăn chay, sau ăn sam; lúc đầu ăn một ít sau tăng dần...
    Theo khuyến cáo của các bác sĩ nhi khoa thì các bà mẹ nên cho trẻ bú mẹ cho đến khi bé được18 tháng hoặc 2 tuổi. Tuy nhiên, khi trẻ được khoảng 1 tuổi, bạn cũng có thể cai sữa cho bé. Lúc này, bạn nên cho ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ, giàu dinh dưỡng là thích hợp. Số lần cho ăn hằng ngày phải căn cứ theo độ tuổi và khả năng tiêu hóa hấp thụ để điều phối.
    - Cần thường xuyên cho trẻ ra ngoài trời, lợi dụng điều kiện tự nhiên, thở hít không khí trong lành, thường xuyên tắm nắng cho trẻ để tăng cường thể chất.
    - Thực hiện vệ sinh môi trường tốt, dùng nguồn nước sạch, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện; đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

    ♦ Món ăn chữa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
    Cháo ý dĩ: Ý dĩ 50g, cháy cơm 30g, hạt sen 50g, đường 30g. Ý dĩ xay thành bột. Cháy cơm loại vàng ngon phơi khô sao vàng xay thành bột. Hạt sen ngâm với nước chanh một đêm hôm sau vớt ra phơi khô tán bột. Tất cả cho vào nồi thêm cho nước vừa đủ, đun trên lửa nhỏ, cháo chín cho đường vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn lúc còn nóng, chia 3 lần trong ngày, cần ăn từ 10 - 20 ngày.
    Cháo củ mài: Củ mài 20g, gạo 50g, biển đậu 10g, lòng đỏ trứng gà 1 cái, đường trắng 20g. Củ mài sấy khô. Gạo, biển đậu đều xay thành bột. Trứng gà luộc bóc lấy lòng đỏ, cho vào bột gạo dầm nát trộn đều. Tất cả cho vào nồi rồi thêm 200ml nước đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín cho đường quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, cần ăn liền 15 ngày.
    Bột chữa cam: Gạo nếp 200g, củ mài 50g, củ súng 15g, ý dĩ 10g, sơn tra 10g, trần bì 10g. Gạo nếp ngâm ngập nước một đêm vớt ra để ráo rồi rang trên lửa nhỏ cho vàng. Các thứ khác đều sấy khô. Tất cả tán thành bột mịn. Cho trẻ uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê đầy, thêm chút đường hoà vào nước đun sôi để nguội cho trẻ uống. Cần uống liền 1 tháng.
    Lưu ý:
    Nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Do hệ tiêu hoá của trẻ còn yếu nên thức ăn phải nấu nhừ, cần cho ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín; không nên cho trẻ ăn quá nhiều các chất béo, ngọt, tanh, các đồ sống, lạnh tránh rối loạn tiêu hóa dẫn đến các chứng cam; không ăn các loại gia vị cay nóng.
    Tạo cho trẻ ăn, ngủ đúng giờ...
    Tăng cường vận động, xoa bóp cho trẻ.

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét