I. Lời Nói Đầu
Sống ở đời điều trước tiên là nên hiểu rõ Thiên thời, hiểu rõ bổn phận của chính mình, đứng thẳng mà lập tài năng ở đời. Người hiện nay, không hỏi Thiên thời, một lòng một dạ chắt chiu chủ nghĩa công danh lợi lộc, thử hỏi như vậy XH có yên ổn được chăng? Chỉ lo cho sự yên vui của cá nhân, hướng tâm vào danh lợi, nào nghĩ đến việc tổn hại nhân cách, người tranh ta đoạt, tạo ra nguy cơ hủy diệt của thế giới. Làm cho đời them rối ren xao động. Chúng ta cũng biết, hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển đến cực điểm, đồng thời đã không còn cách cứu vãn, những uy lực đó đủ để làm cho thế giơi bị hủy diệt không còn sót lại tí gì, con người chỉ biết đến lợi nhưng không hề biết đến hại, không biết sinh mạng của sinh linh khắp nơi chỉ trong một sớm một chiều. Hiện nay chính là lúc vạn vật đang bị nguy hiểm bởi nguy cơ bị hủy diệt.
II. Nội Dung
- Mạnh Tử rằng: ‘‘Khi thiên hạ bị chìm đắm thì lấy Đạo lại cứu vớt’’. Chúng ta tuổi tác còn trẻ, lại được hưởng một nền giáo dục cao, thân là một kẻ sĩ, nên biết địa vị của mình trong xã hội, kẻ sĩ đứng đầu trong tầng lớp thứ dân, sĩ khí hưng nước nhà mạnh; sĩ khí suy, nước nhà yếu.
- Tăng T ử rằng: ‘‘Kẻ sĩ không thể không hoằng nghị, trách nhiệm lớn đường đi được xa. Lấy điều nhơn làm trách nhiệm của mình, há chẳng lớn ư? Chết không hối tiếc há chẳng xa ư?
- Khổng Tử rằng: “Kẻ sĩ mà thích nhàn cư, không đủ được gọi là kẻ sĩ.” Chúng ta nay đã cầu Đạo rồi, càng nên gánh lấy trách nhiệm cấp bách cứu đời cứu kiếp, ưu lo cho cái ưu lo của đời, nắm bắt tốt thời vận.Tục ngữ có câu: “Thời loạn tạo Thánh Hiền”. Người có ăn học chí nơi Thánh Hiền, lúc này chính là thời cơ tốt để thành tựu Thánh nghiệp. Quá khứ Thánh Hiền Tiên Phật, đã xả bỏ vinh hoa phú quý, chỉ một lòng một dạ lo cứu đời cứu kiếp, vì vậy chúng sinh đã bày tỏ lòng tưởng nhớ đến ân trạch của các Ngài bằng cách xây cất chùa chiền thành tâm cúng bái kính ngưỡng. Hiện nay người ăn học rất nhiều, nhưng không một ai làm được Thánh nhân, không một ai tưởng nhớ đến họ. Bởi do lúc sinh thời họ chỉ lo cho mỗi thân mình, không hề có chút lợi ích cho đời, vì vậy vô thanh vô xú không chút tiếng tăm, có khác gì loài cỏ loài cây.
- Khổng Tử rằng: “Bậc quân tử sợ sau khi chết đi rồi, sẽ lưu lại danh không tốt”. Mọi sự trên đời không có gì là thật cả, chỉ có điều mà Thánh nhân nói “Tam bất hữu” (lập đức – lập ngôn – lập công) là thật sự có thể lưu lại tiếng thơm muôn đời. Chúng ta không thể chết đi rồi mà chẳng lưu lại chút gì cho đời, vậy nên hãy mau chóng nghiên cứu tham khảo Đạo làm người xử thế.
1. Nói đến Đạo làm người, điều cần nhất là nuôi dưỡng nhân cách kiện toàn đầy đủ
Có nhân cách kiện toàn rồi, thì mới kiện toàn được sự việc, nếu nhân cách không kiện toàn, mọi lúc luôn có nguy cơ thân bại danh liệt. Làm người xử thế việc trước tiên nên làm là đặt trọng căn bản,rồi sau đó mới đạt được sở dụng, nhờ vậy mới trở thành một con người hoàn thiện. Mạnh Tử rằng: “Chữ nhơn này là người vậy, hợp với điều nhơn rồi hẳn nói hẳn làm, được vậy là Đạo vậy”. Chữ nhơn là do hai người hợp lại mà thành:
- Người thật: linh tánh – tam ngũ thành tánh – thể
- Người giả: nhục thể - nhị ngũ thành hình – dụng.
Hợp lại thành một người trọn vẹn, từ chổ này con người được sinh ra, cho nên nói “tánh còn người còn”; hai người phân khai thì “tánh đi người vong”, nếu có thể mượn giả tu chân,đốc soái theo tánh mà hành ra, làm được thì chính là Đạo vậy.
Tư tưởng nhân sinh của Khổng Lão Phu Tử là nhơn Đạo, đây cũng là mục tiêu của các môn đồ Khổng môn nỗ lực thực thi. Trong “Luận Ngữ” có ghi chép lại rất nhiều đoạn hội thoại của các môn đồ:
- Nhan Uyên hỏi về điều nhơn, Khổng Tử đáp rằng: “Khắc kỷ phục lễ gọi là nhơn. Một ngày khắc kỷ phục lễ, thảy thiên hạ há chẳng quy thuận theo điều nhơn chăng?” (Một ngày không phải nói một ngày có 24 tiếng đồng hồ, người người trong thiên hạ rồi sẽ có một ngày tươi sáng chiếu rọi, một ngày là chỉ người người khắp trong thiên hạ). Người người có thể khắc kỷ phục lễ (uốn nắn mình để hành theo điều lễ), thiên hạ tự nhiên sẽ quy về điều nhơn rồi.
- Hàn Trì hỏi về điều nhơn, Khổng Tử lại đáp rằng: “Yêu thương người”. Loại công phu này chính là nền tảng đạo đức nên thực thi rộng khắp. Loại thực thi đạo đức này được bắt gặp nhiều trong Luận ngữ, nay chỉ liệt kê ra vài điều:
1) Phương diện ý chí
Nên kiên cường không đổi, Khổng Tử rằng: “Người có chí nơi Đạo, nên chiếu theo đức mà hành”.
2) Phương diện lý trí
“Cần phải khéo suy ra, cần phải bắt tay vào thực thi. Khổng Tử rằng: “Căn cứ vào một khía cạnh, không cần xét 3 c ạnh còn lại, thì sẽ không bị trùng lập”. Lại nói rằng:
- Bác học (học rộng)
- Thẩm vấn (suy xét kỹ)
- Thận tư (nghĩ kỹ)
- Minh biện (phân biệt rõ)
- Đốc hành (dốc sức mà làm)
Chúng ta không được mù quáng mà làm theo, hoặc giả tùy tiện mà hùa theo, Khổng Tử dạy rằng: “Các điều ác nên quán xét kỹ xem có thật là ác chăng? Các điều tốt cũng nên quán xét kỹ xem có thật sự là tốt chăng?”. Vậy nên những lời nói xuyên tạc đồn đại truyền miệng sẽ được ngừng lại nơi người có lý trí.
3) Phương diện tình cảm
Nên yêu thương mọi người.
- Khổng Tử dạy rằng: “Chỉ có người làm đặng điều nhơn, mới có thể yêu thương được người khác”
- Tử Lộ rằng: “Người nhơn là người làm cho người ta biết yêu thương trân trọng chính mình”
- Tử Cống rằng: “Người nhơn thì biết yêu thương người khác”.
- Nhan Uyên rằng: “Người nhơn là người biết tự yêu thương mình”.
Quả thật người biết yêu thương mình thì mới có thể yêu thương được người khác, yêu thương người thì người yêu thương mình vậy. Bậc quân tử ưu lo cho cái ưu lo của người, và vui trên niềm vui của người.
4) Phương diện tu thân:
Cần phải uốn nắn mình theo lễ, luôn biết cung kính lượng xét mà tha thứ.
- Khổng Tử rằng: “Một ngày khắc kỷ phục lễ, thảy thiên hạ há chẳng quy theo điều nhơn chăng?”
- Trọng Cung hỏi về điều nhơn, Khổng Tử đáp rằng: “Ra khỏi cửa, xem mọi người như thấy khách quý, khiến mọi người xung quanh hành nghi cung kính như đang có lễ trọng đại diễn ra, điều mình không muốn chớ bắt người phải chịu”.
- Đại học rằng: “Từ thiên tử cho đến thứ dân, tất cả nên lấy tu thân làm gốc”.
- Mạnh Tử rằng: “Vạn vật đều sẳn có trong ta, xét mình mà thành vậy, niềm vui há chẳng lớn lắm sao, dũng mãnh lượng xét mà tha thứ, một mực theo đuổi điều nhơn, há chẳng gần Đạo lắm sao?”
5) Phương diện cầu học:
Cần phải siêng học, từ học rộng rồi phán xét mình uốn nắn theo điều lễ. Khổng Tử rằng: “Ta không phải là người sinh ra đã biết, nhờ đã yêu thích tìm tòi và học hỏi những học thức của người xưa vậy.”, Ngài lại nói rằng: “Học rồi lại thường đem nó ra mà ôn lại, há chẳng vui lắm sao?” Lại nói rằng: “Học rộng văn chương, ước thúc uốn nắn theo điều lễ”. Nếu chỉ có học rộng mà không uốn nắn theo điều lễ, chẳng khác gì một chú cừu ương ngạnh đang rẽ qua ngõ hẹp.
6) Phương diện kỹ nghệ (nghề nghiệp):
Cần phải phong phú.
- Khổng Tử rằng: “Y theo điều nhơn, dạo lướt trong kỹ nghệ”. Đủ thấy chúng ta cần phải thận trọng lựa chọn nghề nghiệp sao cho hạp với điều nhơn.
- Mạnh Tử rằng: “Kẻ bắn cung cầm gươm đao liệu có được lòng nhơn như người ăn học chăng? Kẻ cầm cung gươm thì lo sợ mình không làm tổn thương được đối phương, còn người ăn học thì lại lo sợ mình làm tổn thương đến đối phương; kẻ tâm địa bất chính cũng vậy, cho nên người có tài năng về nghệ thuật không thể không thận trọng.’’
7) Phương diện đối nhân:
Cần phải cung – khoan – tín - mẫn – huệ. Khổng Tử đáp lời Tử Trương hỏi về điều nhơn rằng: “Có thể làm được 5 điều cung – khoan – tín - mẫn – huệ này, trong thiên hạ là người đạt được điều nhơn vậy. Cung kính ắt không khinh mạn, khoan dung ắt được lòng người, tín nhiệm ắt gánh được trách nhiệm, cần mẫn ắt có công, ban ân huệ cho người ắt sẽ đủ để dùng người.”
- Tử Hạ rằng: “Quân tử đắc được sự tín nhiệm của mọi người rồi sau mới dùng được người, chưa có tín nhiệm ắt nên khích lệ bản thân càng them nỗ lực; có được tín nhiệm rồi sau hẳn can gián khuyên răn, chưa có tín nhiệm hẳn là đang tự hủy mình vậy.” Nên tự lượng sức mà làm tự biết mình biết người.
- Mạnh Tử rằng: “Yêu người không thân gọi là nhơn, trị người bất trị gọi là trí, lễ người không đáp gọi là kính, những việc làm không có thành quả, thảy nên tự yêu cầu soi xét nguyên nhân ở mình. Thân này chính chắn ngay thẳng ắt thiên hạ sẽ quy thuận theo.”
8) Phương diện phụng sự cha mẹ
- Hữu Tử rằng: “Hai điều hiếu và đễ, đó là cái gốc của điều nhơn vậy”. Phụng sự cha mẹ phải xuất phát từ lòng chí thành, muốn kính trọng song thân thì nên làm theo chí hướng của song thân.
- Khổng Tử đáp lời vấn hiếu của Tử Du rằng: “Hiếu tử hiện nay gọi là có thể nuôi, đến loài chó ngựa đều có thể nuôi, bất kính với song thân nào có khác biệt gì”.
- Đáp lời của Tử Hạ rằng: “Phụng sự cha mẹ đoán được sắc mặt của cha mẹ (xem cha mẹ có tâm trạng buồn hay vui) thì khó, có việc thì mau mau chóng vánh phụ giúp đỡ đần cha mẹ, có rượu thịt thì dọn ra mời cha mẹ dùng, con có cho rằng được như vậy là tròn được chữ hiếu chăng?”
- Lại đáp lời của Mạnh Bá Võ rằng: “Lo lắng cho sức khỏe và bệnh tật của cha mẹ”.
- Mạnh Tử rằng: “Phụng sự ai là trọng đại? Phụng sự cha mẹ là trọng đại; gìn giữ ai là trọng đại? Giữ thân là trọng đại.”
- Hiếu Kinh rằng: “Thân thể tóc tai là do cha mẹ ban cho, vì vậy không dám để cho nó bị thương tật và hủy hoại, là bước đầu của hiếu vậy; lập thân hành Đạo dương danh hậu thế để hiển vinh tên tuổi của cha mẹ là tột cùng của hiếu vậy.”
Vài điều dẫn chứng trên, mặc dù ngắn gọn, nhưng lại hàm chứa sâu rộng, đủ thấy Khổng Lão Phu Tử giáo hối người thật là rộng lớn và cũng thật là tinh vi không chổ thiếu sót. Khổng Tử cho rằng một người muốn đạt được cảnh giới nhơn, thì phải nên tu dưỡng về mọi mặt, vã lại còn có thể thực thi ra các phương diện đạo đức, bằng không thì nếu chỉ có tu dưỡng rất tốt về một mặt, các mặt còn lại làm không tốt, như vậy không thể gọi là người đã đạt được cảnh giới nhơn, bởi nhân cách của người đó vẫn chưa kiện toàn (trọn vẹn, đầy đủ).
Ở trên là các công phu tu dưỡng mà Khổng Tử đã vạch ra, mục đích cuối cùng là cốt để cho người người đều có thể đạt đến cảnh giới nhơn, khi đã làm tốt được 8 phương diện tu dưỡng, đồng nghĩa với việc chúng ta đã có được một nhân cách kiện toàn trọn vẹn. Đó là các loại công phu tích cực để theo đuổi điều nhơn, ngoài ra Khổng Tử còn chủ trương 1 loại công phu tiêu cực nhằm để giúp ích thêm cho việc theo đuổi điều nhơn, loại công phu này chính là “an bần lạc nghiệp”, Khổng Tử rằng: “Sáng nghe được Đạo, chiều chết cũng đành”, lại nói: “Chí sĩ nhơn nhân, không cầu sinh tồn để tổn hại đến điều nhơn, cho dù có hy sinh đến thân này, miễn sao thành tựu được điều nhơn.”
2. Tu Thiên Đạo Phải Bắt Đầu Từ Nhân Đạo
Từ xưa đến nay bao đời Thánh Hiền Tiên Phật đều do người tu thành, chúng ta cúng phụng tượng thần của các Ngài là muốn vì mọi người lập nên tấm gương mẫu mực, sùng bái khấu đầu là muốn kêu gọi mọi người học tập noi theo các Ngài; Thánh Hiền cũng là người, chúng ta cũng là người, cho nên từ ở điểm này mà chúng ta sanh ra lòng hỗ thẹn và tự khích lệ gắng sức tiến lên theo bước chân của các Ngài. Tiên Phật Thánh nhân không phải chỉ có trong chùa miếu, vậy thì Phật ở đâu? Phật ở trong lòng chúng ta. Kinh Phật rằng:
“Phật ở Linh Sơn chớ kiếm xa,
Linh Sơn ở tận đáy lòng ta,
Người người đều có Linh Sơn tháp,
Nhắm hướng Linh Sơn tháp hạ tu.”
Lại nói rằng: “Tâm ta tự có Phật, Phật ta là chân Phật, Ta nếu không Phật tâm, Nơi đâu tìm chân Phật?” Chúng ta đã thọ được một chỉ điểm, phải biết phản bổn hoàn nguyên (quay về nguồn cội), hướng Thánh Hiền Tiên Phật học tập uốn nắn mình cho ngay thẳng. Chúng ta tuy đã đắc Đạo, nhưng vẫn còn nhiều chổ sánh không kịp Thánh Hiền, tội lỗi chất chồng, làm vẫn chưa được tốt lắm, nào có ai tán thưởng chúng ta là Thánh Hiền? Thánh Hiền là những bậc làm tốt được Thiên Đạo, còn chúng ta ngay cả Nhân Đạo làm chưa xong. Vì vậy nếu chúng ta lập chí làm Thánh Hiền, trước tiên phải từ nhân Đạo mà hạ công phu. Nhân Đạo chính là Đạo lý làm người, đòi hỏi chúng ta cần phải có nhân cách đầy đủ.
Mỗi điều Thánh nhân dạy bên trên, đều nên thực tiễn mà tu thực tiễn mà làm, Khổng Tử rằng: “Ra sức làm thì gần với điều nhơn vậy.” Bây giờ chúng ta hãy lấy “Ngũ nghi” (5 loại người) mà Khổng Tử đã phân tích lại cùng mọi người chia sẻ. Đây là lời của Khổng Tử đáp lời hỏi của Lỗ Ai Công.
Khổng Tử rằng: “Có 5 loại người: Có loại người dung tục, có loại người là kẻ sĩ, có loại người là quân tử, có loại người là Hiền nhân, có loại người là Thánh nhân.”
1) Người như thế nào gọi là người dung tục?
Là người trong lòng không tồn nề nếp thận trọng kiêng nể, miệng không nói lời huấn dạy; không chọn người Hiền để gửi thân, không dốc sức hành để tự yên vững, chỉ thấy được tiểu ám, việc lớn thì chẳng biết phải làm sao; mặc cho cảnh vật ở bên ngoài lôi kéo cuốn trôi, không biết phải bám víu vào đâu, người như vậy gọi là người dung tục.
2) Người như thế nào gọi là kẻ sĩ?
Là người yên vững được cái tâm, giữ sách lược vững vàng, tuy không thể tận được cái gốc của lẽ Đạo, nhưng có được chút ít vậy, tuy không thể vẹn toàn được cái đẹp của trăm thiện, nhưng có được vài chổ vậy. Vậy nên biết không được nhiều, thì nên xét kỹ cái biết; lời không được nhiều, thì nên xét kỹ điều nói ra; hành không được nhiều, thì nên xét kỹ nguyên do. Trí đã biết, lời đã rõ, hành đã rành nguyên do, giống như hình hài của tính mệnh không thể dễ dàng đắc được. Phú quý cũng không hề chi, bần tiện cũng không tổn gì. Người như vậy gọi là kẻ sĩ.
3) Người như thế nào gọi là quân tử?
Là người nói lời giữ lời, trong lòng không chán ghét; nhơn nghĩa kề thân mà không bị sắc đốn ngã; suy xét thông rõ mà từ khước những điều không nên. Đốc sức mà hành tin tưởng vào Đạo, tự cường không ngơi nghỉ, cho dù chúng ta muốn vượt qua họ nhưng cuối cùng không sánh kịp họ, người như vậy gọi là quân tử.
4) Người như thế nào gọi là Hiền nhân?
Đức của Hiền nhân không vượt quá không cho phép, làm theo khuôn phép, lời nói đủ để làm phép tắc cho thiên hạ, mà không làm tổn thương đến thân, Đạo đủ cảm hóa trăm họ, mà không làm tổn thương đến căn bản, giàu có cũng không tích cóp tiền tài của thiên hạ, thí xả làm cho thiên hạ không còn người nghèo bệnh, người làm được như vậy gọi là Hiền nhân.
5) Người như thế nào gọi là Thánh nhân?
Đức của Thánh nhân hòa cùng Trời đất, biến thông khắp nơi, vận hành muôn việc, hiệp giúp cho muôn dân bá tánh đều có thể đạt được Đạo Trời, đức hạnh được phơi bày ra đều rất tự nhiên, sáng cùng nhật nguyệt, sánh vai cùng quỷ Thần, người thường không biết được cái đức này, thấy cũng không biết ở cạnh mình, người làm được như vậy gọi là Thánh nhân.
III. Kết Luận
Thông qua 5 loại người mà Khổng Tử nhắc đến bên trên chúng ta có thể nghĩ nghĩ xem, loại người nào cao thượng? Người người đều có thể thành Thánh Hiền, chỉ xem bản thân chúng ta có chí hay không mà thôi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét