• MÓN ĂN CHAY DINH DƯỠNG
  • HỎI ĐÁP VỀ VẤN ĐỀ ĂN CHAY
  • NHỮNG CÂU CHUYỆN LUÂN HỒI ĐẦY BÍ ẨN
  • Người theo dõi

    Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

    Kiếp Người Thật Đáng Thương






    (Trích 1 phần trong Thư Thầy Tế Công gửi đệ tử bạch dương.)  
    Bước đường trần con mãi lo tranh đoạt,
    Bước Thánh Hiền con bỏ mặc Thầy mong.
    Nam Bình Sơn ngày đêm mong đợi,
    Đợi con về ruột thắt lòng đau.
    Tranh được gì chốn bụi đời tạm bợ,
    Đoạt được gì những thứ phù du.
    Này đồ đệ! Hãy nghe Thầy nói,
    Về đi con! Trời đã tối rồi (đã muộn lắm rồi)!
    Hoa nở hoa tàn vốn vô tình
    Người đi kẻ ở lại vương tình
    Tình Thầy trò như tình phụ tử
    Thầy nhớ con! Con có nhớ Thầy không?

    Con người sinh ra trên cuộc đời này bắt buộc phải chấp nhận hai đời sống. Một thuộc về tâm linh. Hai thuộc về vật chất. Đối với đời sống nói chung, chúng ta phải chịu một bản án tử hình. Nhưng bi thảm thay! bản án này không có báo trước ngày hành hình.  Án tử hình này do một vị Vua tên gọi là nghiệp thức xử phạt. Buồn cười thay! quan tòa, bồi thẩm đoàn và luật sư biện hộ lại chính là mình.  Đối với đời sống tiêu biểu là xã hội hiện tại, khi ta phạm tội nặng phải bị xử chết thì còn có ân huệ hơn. Ít ra phạm nhân cũng biết trước giờ xử án và trước khi chết được cho ăn một bữa cơm no, sau khi chết thi thể được cho chôn cất đàng hoàng.  Còn thông thường thì chúng ta phải chịu chết một cách vô định, có khi không hề được cho ăn, sau khi chết tùy theo nghiệp riêng của mỗi người mà được thân quyến tẩn liệm chôn cất đàng hoàng hay là bị vùi sâu thi thể ở nơi u ám không ai biết được, hoặc là bị vứt bỏ xác nơi  sông, hồ, ao, suối, hay  rừng hoang chốn lạnh cả ngàn năm vất vưởng trong cảnh giới u linh.
    Dù vậy chúng ta vẫn được một ân huệ lớn là có Phật tổ Đức Thích Ca Mâu Ni hướng dẫn chúng ta một phương pháp tuyệt vời để tu tập trong giai đoạn cuối cùng của Chánh Pháp. Khiến ta  không phải bị chết, được tự tại ra đi về nơi mình muốn và muốn ra đi bất cứ lúc nào mình thích.  Gần ba ngàn năm nay lời dạy này mới bắt đầu ứng nghiệm bởi một số người tin Phật và nghe lời dạy của ngài. Người ta đã vượt qua được đại dương khổ não, chấm dứt vô minh và thực hiện Niết bàn. Hay nói một cách thực tế là rất nhiều người được bất tử, vãng sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc, thành tựu Thánh quả Phật đà, cứu độ chúng sanh.
    Bấy lâu nay vì phiền não tư hoặc và kiến hoặc chế ngự, vô minh dẫn dắt, chúng ta đã đi trên một tiểu lộ đầy bất trắc, thê lương và khổ não. Do chấp chặt bản ngã, ta lại khởi lòng tham danh lợi. tham ái một cách mê muội. Cố chấp vào thế giới hiện hữu, đã tạo ra vô số nghiệp chướng tham sân từ đời này sang đời khác không bao giờ cùng tận. Lời dạy của đức Phật năm xưa chúng ta nào quan tâm đến: “Hành động của kiếp sống hiện tại là nhân tố của kiếp sống vị lai. Nghiệp thức chứa đầy những chủng tử thiện ác sẽ theo ta mãi mãi cho đến khi nào ta giác ngộ được cuộc đời là mộng ảo. Sự giác ngộ này muốn được thành tựu phải cần có sự giúp đỡ của một bậc thầy”. Vị thầy cao cả nhất được biết đến là chính đức Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật. Ngài là đấng giáo chủ duy nhất của cõi Ta Bà này và là vị Phật đầu tiên trong kỷ nguyên loài người. Vô minh là nguồn gốc của đau khổ, Niết bàn là nơi chấm dứt vô minh. Niết bàn là nơi không còn sự đau khổ hiện hữu.
    Con người nếu thiếu chất liệu tâm linh, sẽ phải vất vả kinh doanh làm ăn, mua bán nơi thương trường để cung phụng cho cái bản ngã vật chất là cái thân thể bất toàn này và những sở hữu của nó là gia đình con cái. Một số khác vô minh hơn phục vụ cho hệ thống ý thức trên con đường làm chính trị vu vơ không lối thoát. Tất cả những điều này đã thiêu rụi hết đời sống của con người trong cái thọ mạng quá ngắn ngủi. Còn đâu nữa để lo cho đời sống tâm linh ? khi biết ra thì đã ô hô rồi. Ngài Đạt Lai Lạt Ma từng khuyên dạy rằng: “Chúng ta là những lữ khách trên hành tinh này. Chúng ta có mặt ở đây nhiều lắm là chín mươi hay một trăm năm. Trong quảng thời gian đó, với cuộc đời của chúng ta, ta phải cố gắng làm những điều tốt lành và ích lợi. Nếu quý vị góp phần vào việc mang lại hạnh phúc cho người khác, quý vị sẽ tìm thấy mục đích chân thật, ý nghĩa thực sự của cuộc đời”. Lời dạy này cho ta hình dung được một cuộc đời ngắn ngủi ta đã không làm gì lợi ich cho ai để có thể thấy ý nghĩa chân thật của nó. Tuy nhiên ngài Đạt Lai Lạt Ma đã không nhấn mạnh đến sanh tử là cái còn quan trọng hơn là “làm lợi ich cho ai đó”. Chúng ta cần phải liễu thoát sanh tử trước, phải vượt qua dòng thát sanh tử này mới nói đến lợi ích cho chúng sanh.  Bởi phàm phu thì không thể làm gì hơn ngoài khả năng của thân xác. Tuy nhiên có còn hơn không.  Vì vậy nếu được chúng ta có thể khổ cực để phục vụ chúng sanh hơn là chỉ phục vụ cho cái cá ngã và những nhu cầu phụ thuộc của nó.
    Nếu chịu khó ngồi xuống tư duy về thân phận của mình thì chúng ta sẽ thấy vô số những điều bất như ý mâu thuẩn đã đến với chúng ta trong cuộc đời này. Những điều này không phải vô cớ đến với ta hay chính ai đó đã tác động  nên. Không phải thế! Chính những hành động của ta trong quá khứ, bị chìm sâu trong vô thức nay được gặp duyên nên nó khơi dậy và làm ta khổ não. Cũng giống như một hạt giống dù để một ngàn năm trong tủ kín hạt giống vẫn là hạt giống. Tuy nhiên nếu ta đem nó ủ phân lấp đất thì tất nhiên nó sẽ lên cây kết trái. Đó là giáo lý nhân duyên của nhà Phật. Vì vậy người hiểu giáo lý của Phật dạy sẽ không trách cứ ai cả. Người duy nhất đáng trách cứ là chính ta. Đức Phật đã từng dạy “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình” cơ mà.
    Người ta có thể làm lại cuộc sống từ một sự giác ngộ căn bản. Nhưng chúng ta phải có duyên gặp thiện hữu tri thức. Vị thầy giúp chúng ta giác ngộ có thể là một đứa bé hay một vật vô tri giác. Ngày xưa Thiện Tài đồng tử được giác ngộ bước đầu tiên là lúc ngài gặp Đức Vân tỳ kheo. Đức Vân tỳ kheo lúc đó tu hành trên núi cao hàng ngày thường quán sát những đám mây trên núi. Ngài ngộ được núi cao không làm chướng ngại mây mà núi cũng không hề bị thiệt hại bởi mây bay qua. Thiện Tài học được điểm chính yếu là tâm ta cũng phải giống như những đám mây đến đâu cũng  không làm chướng ngại ai và cũng không ai bị phiền toái bởi ta. Đây là giáo lý ứng dụng về lòng khoan dung  mà ta hay mắc phải trong cuộc sống. Nếu người sống được với tâm khoan dung thì sẽ không thấy ai là người làm trở ngại ta và chính ta cũng không thể nào làm hư hoại kẻ khác. Như vậy ta dễ dàng tự tại trong cuộc sống. Còn nhiều điều nữa giúp ta hiểu rằng cuộc sống giác ngộ giúp ta hạnh phúc chứ không phải chỉ tiền tài vật chất giúp ta được hạnh phúc. Đa số loài người đã lầm lẫn điều này nên đổ xô nhau đi tìm cầu vật chất một cách khổ não để mưu cầu cái gọi là hạnh phúc.
    Vì vậy bất cứ giá nào anh cũng phải tập sự giác ngộ trước. Có những bậc thầy xuất gia tầm đạo hơn người đời về phẩm cách đạo đức. Nhưng vì họ ngộ nhận giữa tài năng và đức hạnh tu hành. Nên thay vì làm đạo dựa trên cái đức tu của mình để thành tựu đạo nghiệp họ lại sử dụng cái khôn ngoan của thế tục để được thành công “Chùa to Tượng lớn” Còn phần đạo hạnh của mình thì lại để cho mai một. Thật đáng tiếc thay! Cho nên mặc dù đã làm vị xuất gia trưởng tử của Như Lai không hẳn là chúng ta sẽ được giải thoát sớm. Nếu ta không tu đức hạnh mà chỉ dụng sự thông minh thế tục để được lòng tín đồ thì thật đáng tiếc cho một đời tu. Một tín đồ phải liễu ngộ được đạo pháp. Nên hết lòng hộ trì ngôi Tam Bảo vững mạnh, chứ không phải hạng người chỉ đến Chùa tìm vui mà không hề để tâm học đạo. Quý thầy sẽ chân thật dạy những điều cần thiết để một tín đồ có thể được khai ngộ và duy nhất chỉ cầu thoát ly sinh tử. Một vị chân lương y thế gian không hề nuôi con bệnh đề moi tiền bệnh nhân một cách tàn nhẫn. Đó gọi là “lương y như từ mẫu”. Sứ mạng của một vị Tăng là phải tìm đến nơi những chúng sanh đau khổ, nghèo nàn về tâm linh để giúp đỡ họ hiểu rõ Phật Pháp mầu nhiệm như thế nào? Vì vậy nên tìm đến những nơi hẻo lánh, đô thị nghèo nàn, đầy rẫy những chúng sanh cang cường để độ họ. Không cần thiết phải ở nơi những đô thị lớn  với những tín đồ đông đảo ham vui, nhưng không hề hiểu biết chân lý vì không được ai giáo hóa đúng mức. Ngoại trừ những bậc phước đức quá lớn hoặc bậc Thánh nhân thị hiện hóa đạo.
    Đối với người thế tục chất phát, dù họ đang ở vào địa vị nào của xã hội. Nếu gặp được bậc chân tu đạo hạnh. Họ có thể giác ngộ thành Phật. Biết bao nhiêu cư sĩ tại gia ngày nay nhờ ngộ được pháp môn niệm Phật họ khởi lòng chánh tín tu tập, liền được vãng sanh, trong đó có cả những người đã gây tạo ác nghiệp mà giây phút lâm chung gặp thiện hữu khai thị. Họ phát tâm ăn năn hối lỗi cũng được vãng sanh. Trên đời này quả không có gì tuyệt đối. Vì lẽ Phật dạy chúng sanh đều có Phật tánh. Hễ mê muội tâm mình thì làm chúng sanh, còn giác ngộ thì thành Phật. Phải hiểu thật rõ ý nghĩa của chữ Như Lai. Có nghĩa là bậc tự tại không đi không đến mà vẫn thường trụ khắp mọi nơi, mọi thời. Chúng ta cũng tập như vậy. Nếu tâm buông xả tất cả thì nơi đâu cũng là chỗ ở hạnh phúc của mình.
    Tóm lại, chúng ta phải nên giác ngộ cuộc đời này là huyễn mộng. Phát tâm xả bỏ tất cả, chánh tín niệm Phật cầu vãng sanh thì sớm muộn gì chúng ta cũng thành Bồ tát cõi Tây phương. Chỉ sợ rằng chúng ta chưa giác ngộ, còn quá mê muội thì sự vãng sanh khó đến được. Xả bỏ không hẳn là vứt tiền của qua cửa sổ mà là xả bỏ những mê chấp trong tâm mình. Khi tâm không còn vướng mắc điều gì thì chính lúc đó niềm an lạc sẽ tràn ngập và hạnh phúc sẽ bao la.

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét