• MÓN ĂN CHAY DINH DƯỠNG
  • HỎI ĐÁP VỀ VẤN ĐỀ ĂN CHAY
  • NHỮNG CÂU CHUYỆN LUÂN HỒI ĐẦY BÍ ẨN
  • Người theo dõi

    Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

    Nguồn Gốc Của Phiền Não Và Đau Khổ




    Theo “Tứ Diệu Đế”, khổ đau và phiền não dành cho loài người chúng ta gồm có: 84.000 cái khổ, được chia ra làm thành 8 loại: Sanh, Lão, Bệnh, Tử khổ, Ái biệt ly (Thương nhau mà phải xa nhau), Oán tắng hội (Ghét nhau mà phải gặp mặt), Cầu bất đắc (Mong cầu mà không được) và Ngũ ấm xí thạnh khổ (5 uẩn quá sung mãn).
    Người đời, ai náy muôn người như một đều thích được “Vui”, chán ghét cái “Khổ”. Nhưng, người xưa có nói: "Ghét của nào trời trao của đó”. Cho nên trong cuộc sống, từ khi còn trẻ đẹp cho đến lúc già nua xấu xí rồi Chết đi, nếu chúng ta có để ý sẽ thấy những nổi khổ đau phiền não đến với chúng ta chiếm một tỷ lệ khá cao, có thể nói trên: 80%, còn niềm Vui thì chỉ có khoảng 15% đến 20% là cùng. Sao, chúng ta thấy thế nào, có đúng như vậy không?
    Quả thật, sống ở cõi Ta Bà này nhiều Khổ hơn Vui!. Do đó, Cậu của Ngài Xá Lợi Phất đến đảnh lễ Đức Thế Tôn xin mở bày chỉ rõ con đường vượt thoát mọi phiền não khổ đau.
    Đức Thế Tôn dạy:
    Cảm thọ có 3 loại: “Cảm Thọ dễ chịu”, “Cảm Thọ khó chịu” (phiền não) và “Cảm Thọ không dễ chịu cũng không khó chịu”. Cả 3 loại cảm thọ này đều có gốc rễ trong thân thể, hoặc trong tâm ý và nhận thức.
    Cảm thọ có sinh có diệt cũng như bất cứ hiện tượng tâm lý và vật lý nào. Do đó, các ông phải dùng phương pháp Quán Chiếu. Vì chỉ có Quán chiếu mới có thể thấy được Bản chất và Nguồn gốc của các cảm thọ, dù là “lạc thọ”(vui), “khổ thọ” hay “xả thọ” (không khổ không vui).
    Thấy được nguồn gốc của các cảm thọ rồi, ta sẽ thấy được bản chất của cảm thọ.
    Ta sẽ thấy cảm thọ cũng có tánh vô thường và vô ngã (không có tự thể tùy duyên mà biến hiện) như tất cả các pháp (sự vật) khác. Sự sinh diệt của chúng dần dần sẽ không động, không chi phối được đến ta.
    Hầu hết, những nỗi khổ đau phiền não của ta đều bắt nguồn từ nhận thức sai lầm của ta về “thực tại”. Nhổ bật những gốc rễ sai lầm ấy lên, thì khổ đau phiền não do đâu mà tồn tại được.
    Đức Thế Tôn dạy tiếp:
    “Các ông nên biết, nhận thức của con người đầy ắp những sai lầm (si). Vạn pháp Vô Thường mà cho là Thường; vạn pháp Vô Ngã mà cho là Ngã. Đó là Vô Minh.
    Vô Minh là nguồn gốc của khổ đau và phiền não. Tu tập Đạo Giải Thoát, tức là diệt trừ Vô Minh. Điều này, các ông chỉ có thể thực tập bằng pháp Quán Chiếu chứ không thể nào thực tập bằng cách lễ bái, cầu nguyện và tế tự”.
    Qua lời Đức Phật dạy nêu trên, chúng ta thấy thế nào? Lễ bái, cầu nguyện và tế tự có diệt trừ được những khổ đau phiền não không? Nếu không tiêu diệt được, tại sao hiện nay lại có rất nhiều người tu hành đạo Giải Thoát mà cứ chuyên lễ bái, cầu nguyện và tế tự, chớ không y cứ theo lời Đức Phật đã dạy như trên?
    Như vậy, có phải chăng, vì thời nay là thời kỳ Mạt pháp, nên mới có chuyện tu hành trật đường rầy như thế? Có phải chăng, vì họ không có “Thiện Tri Thức” hướng dẫn đưa đường chỉ lối? Và có phải chăng, vì họ Quán Chiếu chưa thấy được 100% là Không như Tổ Hoàng Bá đã khai thị?
    (Tổ Hoàng Bá tức là Hy Vận Thiên Sư nói: “Một vật chia ra làm 100 phần, nếu Quán Chiếu thấy 99 phần là Giả, là Không, còn 1 phần thấy là Thiệt là Có, thì sự vật (pháp) này còn nguyên còn (100%) là Thiệt, là Có”).
    Nhân đây, xin kể câu chuyện của một ông quan lớn kiêm thi sĩ là Tô Đông Pha và Thiền Sư Phật Ấn:
    “Một hôm Thiền Sư Phật Ấn đang dọn dẹp sắp xếp đồ đạc lại ở trong phương trượng thì Tô Đông Pha đến chơi. Thay vì, vào phòng khách, Tô Đông Pha lại đi thẳng vào phương trượng.
    Thấy vậy, Thiền Sư Phật Ấn nói:
    "Trong đây không có ghế ngồi, Tướng công vào đây lấy gì để ngồi?"
    Tô Đông Pha đáp :
    "Không có ghế ngồi, thì lấy cái thân của Thiền Sư làm ghế ngồi”.
    Thiền Sư Phật Ấn nói:
    "Tôi có một câu hỏi, nếu Tướng công đáp được, cứ tự tiện lấy thân bần đạo làm ghế ngồi. Còn như đáp không được, thì phải treo dây Ngọc Đái lại chùa, có chịu không?”.
    Tô Đông Pha đồng ý.
    Thiền Sư Phật Ấn hỏi: "Tứ đại vốn không, ngũ uẫn không phải có, vậy Tướng công ngồi chỗ nào?”.
    Tô Đông Pha không đáp được, đành phải treo dây Ngọc Đái lại chùa”.
    Sao, giờ đây chúng ta có được cái thấy như cái thấy của Tô Đông Pha hay Thiền Sư Pháp Ấn hoặc Đức Lục Tổ thấy:
    “Bản Lai Vô Nhất Vật” (Xưa nay không có một vật) chưa? Nếu như không có được cái nhìn, cái thấy như vậy, thì làm sao phá nổi Vô Minh, để ngừng dứt sự “cảm thọ”, khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần (Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) hoặc Tài sắc danh thực thùy (ngũ dục lạc của thế gian) hầu cắt đứt cái ÁI.
    Trong “Thật Nhị Nhân Duyên” có nói:
    Vô Minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh Sắc, Danh Sắc sinh Lục Nhập, Lục Nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu (Nghiệp), Hữu sinh Sanh, Sanh sinh Lão Tử (Sinh Khởi Môn).
    Khi 6 căn “Nhãn, nhĩ Tỵ, Thiệt, Thân Ý” tiếp xúc với 6 trần “Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc Pháp” sinh ra cảm thọ, dẫn đến yêu ghét. Yêu thì giữ lấy (tham), ghét thì bỏ (sân) tạo ra nghiệp mới (Hữu). Thế là lại phải đi đầu thai (sinh), để rồi già chết (Lão Tử). Như bóng tùy hình tiếp tục chẳng ngớt, tạo thành quỹ đạo 360 độ như một bánh xe tròn lớn, nên gọi là Bánh Xe Luân Hồi.
    Giờ đây, để ra khỏi Luân hồi, chúng ta phải thấy sự Cảm Thọ (thọ uẫn) chỉ là một hiện tượng có sinh có diệt, có đó rồi mất đó, nên nói nó là Vô Thường và Vô Ngã. Và tiến thêm một bước nữa, phải thấy nó (cảm thọ) cũng như tất cả các pháp (sự vật) khác đều Không, chúng có đó chỉ là Giả Có (tướng duyên hợp), chẳng khác gì Đức Lục Tổ Huệ Năng, Tô Đông Pha và Thiền Sư Pháp Ấn đã thấy vậy.
    Thí dụ: Mắt chúng ta thấy một đoá hoa Hồng, nếu chúng ta biết cái hoa Hồng tuỳ duyên mà biến hiện, nên biết nó có đó chỉ là Giả Có, chớ đâu phải thực có. Mà đã không phải thực có, thì đâu có khác gì Không, có phải vậy không nào?
    Nếu chúng ta thấy đoá hoa Hồng là vật Giả Có, là Không, thì chúng ta đâu có khởi niệm phân biệt: Đẹp hay Xấu làm gì cho thất công! Khi đã không phân biệt Đẹp hay Xấu, thì đâu có Niệm Yêu hay Niệm Ghét khởi lên được. Nếu đã không có niệm ưa thích hay ghét bỏ đóa hoa Hồng khởi lên, thì tâm của chúng ta lúc bấy giờ thế nào, sự cảm thọ ra sao ? Có phải chăng, lúc bấy giờ chúng ta cảm thấy không khổ, không vui, còn tâm thì được thanh tịnh, thế là chúng ta đã làm chủ được mình và được tự tại khi giáp mặt với trần cảnh bên ngoài, có phải không nào!?
    Tuy nhiên, có 3 điều không kém phần quan trọng, mà chúng ta cần phải rõ biết, nếu tu cho 6 căn thanh tịnh hay pháp Quán Chiếu:
    Đa số người thời nay, chỉ quan tâm đến vấn đề vật chất hơn là tinh thần. Liệu chúng ta có đủ khả năng xoay lưng trở bước nổi đối với vật chất như: Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy...Không?
    Cả 3 cái: ăn, mặc và ngủ nghỉ đều phải thiếu một chút, nhà Phật gọi đó là “tam thường bất túc”. chúng ta có kham nổi không?
    Chúng ta có dám từ thân cắt ái ly gia, để vào ở trong rừng sâu hay chùa chiến hoặc Thiền đường không?
    Ngoài ra, chúng ta cũng nên biết thêm điều này:
    “Diệt sự Cảm Thọ là để cắt ÁI (dục), nếu thành công hành giả sẽ thân chứng cái gọi là: “Thân phần đoạn sanh tử” và kế đó là quả vị A La Hán. Còn muốn thành Phật (Vô Thượng Chánh Đẳng Giác), chúng ta phải y cứ vào phần diễn đạt Hoàn Diệt Môn của pháp Thập Nhị Nhân Duyên. Nghĩa là: Có Già Chết là vì có Sanh. Có Sanh là vì có Nghiệp (Hữu)... Mà có Nghiệp là vì có Vô Minh. Như vậy, nguồn gốc của Sanh Tử là Vô Minh. Song, Vô Minh nói ở đây là cái gì, ở đâu và làm sao mới có thể tiêu diệt được nó. Thực ra không ai có thể diệt trừ Vô Minh vì Vô Minh là ở quá khứ, chỉ có thể Ái dục hiện tại để dứt sanh tử kiếp sau tức là ta đã dứt được phiền não và đau khổ.

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét